1. Phát triển sản phẩm OCOP thông qua thương mại điện tử
Trước đây, các sản phẩm OCOP của địa phương chủ yếu được bàn bán tại các cửa hàng giới thiệu sản phẩm của địa phương, hoặc tại các siêu thị, quầy hàng, ít người biết đến. Mua bán qua kênh trực tiếp, phụ thuộc vào địa điểm bán hàng, đơn vị vận chuyển do đó mức tiêu thụ không lớn.
Giờ đây, sàn TMĐT là kênh bán hàng mới, hiệu quả, giúp đưa các sản phẩm OCOP của địa phương vươn xa ra thị trường rộng lớn.
Phát triển sản phẩm OCOP thông qua thương mại điện tử
2. Xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu của địa phương
“Thương hiệu" của địa phương chính là các dấu hiệu để nhận biết, phân biệt và ghi nhớ sản phẩm/doanh nghiệp của địa phương trong tâm trí người tiêu dùng. Thương hiệu giúp tạo ra sự khác biệt, đồng thời khẳng định uy tín, danh tiếng, sứ mệnh của sản phẩm/doanh nghiệp của địa phương trên thị trường.
Hình ảnh, thương hiệu của địa phương thường được tạo nên bởi thương hiệu văn hóa của địa phương, thương hiệu điểm đến (du lịch), thương hiệu sản phẩm/sản vật của địa phương.
Xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu của địa phương trên môi trường số là việc ứng dụng công nghệ, nền tảng số để xây dựng hình ảnh, quảng bá, truyền thông cho thương hiệu của địa phương trên môi trường mạng.
Trước đây, các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh, thương hiệu của từng địa phương chủ yếu được thực hiện qua quảng cáo trên truyền hình, qua các hội chợ, triển lãm chuyên ngành, các chiến dịch xúc tiến thương mại của các ngành.
Ngày nay, việc ứng dụng công nghệ số vào khâu quảng bá, phân phối và tiêu thụ sản phẩm được triển khai mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19. Công nghệ số giúp tiết kiệm được chi phí quảng bá, tạo nền tảng để đánh giá dịch vụ, sản phẩm một cách thuận tiện, xây dựng các hội chợ thực tế ảo, giới thiệu, chào bán thường xuyên các sản vật, mặt hàng nông sản của từng địa phương một cách lâu dài.
Trong quảng bá thương hiệu điểm đến, trước đây, cách quảng bá thông qua báo chí, tờ rơi hay mạng xã hội, video... phần nào đáp ứng được nhu cầu tham khảo điểm đến, nhưng đòi hỏi của du khách ngày càng cao. Họ thích những trải nghiệm thật và chi tiết trước khi quyết định một chuyến đi. Công nghệ thực tế ảo ra đời đã đáp ứng được nhu cầu này. Khác với trang web thông thường, website công nghệ 3D giúp người xem có những trải nghiệm thực tế như đi lại, tham quan, tương tác với địa danh... khiến họ hứng thú tìm hiểu địa điểm chưa từng đến hoặc đang tham khảo.